11. Bệnh hại chính trên sầu riêng

1. Bệnh thối gốc chảy nhựa

Đây là một trong những bệnh gây hại quan trọng trên cây sầu riêng. Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Bệnh tấn công trên các bộ phận của cây như: thân, cành, lá, quả,… Trong đó, triệu chứng thối thân chảy nhựa là quan trọng nhất.

Trên thân, cành: bệnh thường khó phát hiện sớm, đến khi thấy hiện tượng chảy nhựa (xì mủ) từ vết bệnh do nấm gây ra. Nếu phát hiện sớm vết bệnh nhỏ, việc phòng trừ nhanh và đạt hiệu quả cao. Nếu phát hiện muộn, vết bệnh lan rộng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau thành từng mảng lớn dẫn đến làm cho cây suy yếu và có thể chết cây.

Trên lá: vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu, thường có dạng gần tròn, sũng nước với rìa màu vàng nhạt. Vết bệnh lan rộng nhanh trong điều kiện ẩm độ không khí cao. Vết bệnh thường bắt đầu xuất hiện từ phía cuống lá, cành non làm phần phía trên héo nhanh, rũ và chết dần.

Trên trái: vết bệnh đầu tiên là một đốm đen nhỏ sũng nước lan rộng nhanh. Vết thối có thể lan sâu làm hỏng phần cơm bên trong của trái. Trên vết bệnh có thể thấy nấm tạo thành một lớp trên bề mặt màu trắng xám với rất nhiều bào tử và có khả năng lây lan qua gió, mưa.

Biện pháp phòng trừ:

– Sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh.

– Cần chăm sóc cây tốt, khoẻ mạnh để tăng cường sức đề kháng cho cây như cung cấp đủ nước, bón phân cân đối, che phủ đất trong mùa khô,..…

– Trồng cây trên mô, líp để thoát nước tốt nhằm hạn chế ẩm độ cao, nhất là trong mùa mưa.

– Mật độ trồng thích hợp, tránh trồng xen quá dày.

– Sau khi thu hoạch xong tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán để vườn cây thông thoáng và vét vôi thân cây từ mặt đất lên khoảng 1m để hạn chế nấm bệnh gây hại.

– Trong quá trình chăm sóc, vận chuyển cần hạn chế gây thương tích cho cây. Phòng trừ các côn trùng gây vết thương cho cây. Vết cắt cần quét thuốc trừ nấm.

– Tăng cường sử dụng phân hữu cơ có trộn nấm Trichoderma (50-100kg phân hữu cơ hoai/cây/năm). Nên sử dụng phân gà, phân rác vi sinh, phân bò,… được ủ hoai.

– Khi mới phát hiện vết bệnh, tiến hành cạo bỏ phần mô chết, bôi thuốc: Norshield (đồng đỏ), Aliette 80 WP, Metalaxyl pha 1%.

– Tiêm cây với thuốc Phosphonate là một kỹ thuật được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phát triển. Phương pháp này có hiệu quả và giảm được chi phí khoảng 40% so với biện pháp phun thuốc.

2. Bệnh thán thư

Bệnh thường xuất hiện và gây hại quanh năm. Bệnh do tác nhân nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Bệnh gây hại nặng trên những vườn chăm sóc kém, thiếu phân, tưới nước không đầy đủ, ít chất hữu cơ, gió mạnh và không được che mát giữ ẩm thích hợp,…

Bệnh thường gây hại trên lá, vết bệnh có thể thấy khi lá trưởng thành trở đi. Vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá, chót lá lan vào bên trong. Đồng thời, vết bệnh cũng có thể bắt đầu từ vết thương trên lá do côn trùng, rách do gió hay do chăm sóc. Vết bệnh lan rộng thành những sọc song song có màu nâu đậm trên nền mô chết có màu nâu xám. Bệnh nặng làm lá khô cháy dần và rụng sớm, trơ cành. Bệnh làm cho cây suy yếu dần. Triệu chứng bệnh thán thư thường đi kèm với triệu chứng thiếu dinh dưỡng nhất là thiếu Kali.

Biện pháp phòng trừ:

– Cần chăm sóc cây tốt, khoẻ mạnh để tăng cường sức đề kháng cho cây như cung cấp đủ nước, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ,….

– Giữ ẩm cho đất trong mùa khô bằng cách trồng cây che phủ hoặc phủ gốc với phân hữu cơ, rơm rạ, cỏ khô.

– Sau khi thu hoạch tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa cành và đem tiêu hủy để vườn cây thông thoáng.

– Khi tỷ lệ bệnh lên cao hơn 10% có thể sử dụng các loại thuốc gốc Propineb, Mancozeb, gốc đồng,…. để phòng trị. Nên thường xuyên luân phiên gốc thuốc để tránh gây ra hiện tượng kháng thuốc của nấm bệnh.

3. Bệnh cháy lá (do nấm Rhizoctonia solani)

Bệnh thường gây hại giai đoạn cây con trong vườm ươm và cây mới trồng những năm đầu. Hiện nay, bệnh còn gây hại trên cả vườn cây trưởng thành nơi có bộ tán lá rậm rạp hay mọc gần mặt đất ẩm. Bệnh thuờng xuất hiện một nơi sau đó lan rộng dần ra xung quanh.

Vết bệnh thường có màu xanh xám hay xám nâu. Lá non bị nhiễm bệnh giống như bị luộc trong nước sôi, màu xanh nhợt nhạt sũng nước. Các lá được kết dính với nhau do sự mọc lan của các sợi nấm. Do đó khi khô chúng dính với nhau nhưng không rụng. Hiện tượng này nông dân gọi là “tổ kiến”. Bệnh có thể tấn công lên các thân non làm khô chết phần ngọn phía trên và sau đó sẽ chuyển màu trắng xám.

– Tác nhân gây bệnh là do nấm Rhizoctonia solani. Nấm thường phát triển trong điều kiện ẩm độ cao, thiếu ánh nắng. Sự lây lan có thể trực tiếp do sợi nấm mọc lan hoặc do hạch nấm di chuyển nhờ dòng nước. Ngoài cây sầu riêng nấm này cũng còn tấn công các loại cây non khác.

– Mầm bệnh này thường phổ biến trong lục bình, rơm rạ, cây cỏ…do vậy sử dụng các rơm rạ, cây cỏ khô phủ đất cần lưu ý sự lây lan nguồn bệnh.

Biện pháp phòng trừ:

– Ngăn chặn nguồn bệnh lây lan từ bên ngoài vào trong vườn (từ lục bình, rơm rạ, cỏ khô, nguồn nước chảy..)

– Trồng cây với mật độ hợp lý để tạo độ thông thoáng và hạn chế lây lan.

– Thường xuyên thăm vườn nhất là giai đoạn cây ra đọt non để phát hiện bệnh sớm và phòng trị kịp thời. Khi tỷ lệ bệnh cao có thể sử dụng các loại thuốc gốc Hexaconazole, Pencycuron, Cyproconazole, …

4. Bệnh đốm rong

Nguyên nhân
Do tảo Cephaleuros gây ra.

Điều kiện xuất hiện bệnh

– Bệnh thường xuất hiện trong điều kiện ẩm độ cao, vườn trồng mật độ dày, rậm rạp, có nhiều cỏ dại
– Cây suy yếu, sức đề kháng kém
– Đặc biệt xuất hiện nhiều ở giai đoạn trước và sau khi thu hoạch do cây đang suy yếu sau thời gian mang trái

 Triệu chứng

– Tấn công chủ yếu trên lá già là chính
– Xuất hiện những đốm nhung có màu sắc giống như sắt rỉ hoặc màu vàng cam, một thời gian sau chuyển sang màu xanh xám. Những đốm này có thể tụ họp lại thành mảng lớn trên lá.
– Làm giảm sức sống, cây không được xanh tốt. giảm khả năng quang hợp

Phòng ngừa

– Mật độ trồng thích hợp, cắt tỉa cành nhánh thường xuyên, cỏ khu vực trong tán cần dọn sạch… mục đích tạo độ thông thoáng cho cả vườn
– Chăm sóc cây tốt, tưới nước, bón phân đầy đủ giúp tang cường sức đề kháng cho cây

Phòng trị

– Khi cây có dấu hiệu bệnh thì phun thuốc trị: gốc đồng, Matalaxyl, Matalaxyl+Mancozeb…
– Cây bị nặng thì 5-7 ngày sau phun lại lần 2

5. Bệnh nấm hồng

Bệnh thường xuất hiện trên các cành nhỏ mọc ngang ở nơi phân cành. Thời tiết mưa ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển và lây lan. Bệnh do nấm Erythricium salmonicolor gây ra.

Đầu tiên những sợi nấm màu trắng phát triển bên trên vỏ cây. Sau đó hình thành lớp nấm dạng phấn hồng bao phủ bên ngoài vỏ cây. Bên dưới lớp phấn phủ ta thấy mô vỏ cây bị thâm và thối làm cho phần trên vết bệnh không được cung cấp nước và chất dinh dưỡng, sau đó lá vàng khô dần và chết. Vỏ cây có thể bị nứt ở vị trí vết bệnh. Bệnh thường làm chết cành nếu không phòng trừ kịp thời.

Nấm bệnh lây lan qua bào tử bay trong không khí do gió, mưa, gặp điều kiện thích hợp sẽ phát triển thành vết bệnh ở nơi mới.

Biện pháp phòng trừ:

– Không trồng cây với mật độ quá dày, tránh trồng xen rậm rạp.

– Tỉa cành, tạo tán nhằm tăng độ thông thoáng trong tán cây và trong vườn cây.

– Những cành bệnh nặng, cành chết do bệnh cần được cắt và tiêu huỹ ngăn ngừa lây lan.

– Thăm vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sơm, khi bệnh mới xuất hiện tiến hành quét lên vết bệnh các loại thuốc có hoạt chất validamycin A, cyproconazole, gốc đồng,…

6. Bệnh xì mủ sầu riêng

Nguyên nhân gây bệnh: do nấm Phytopthora. Có 2 loại xì mủ nhà vườn cần phân biệt: “xì mủ ướt” và “xì mủ khô”

6.1. Bệnh Xì Mủ Ướt

Nấm tấn công trực tiếp vào các vết tổn thương ở rễ gây xì mủ cổ rễ và lan lên thân hoặc nấm tấn công trực tiếp từ các vết tổn thương trên thân cây và nấm bệnh di chuyển theo các vết nước xì mủ xuống dưới cổ rễ.

Thông thường các bạn trị hoài không hết là do ổ bệnh chính tập trung nằm ở phần cổ rễ, các vết xì mủ trên thân là phụ. Do đó, phải diệt tận gốc ổ bệnh chính là phần cổ rễ.

Định nghĩa cổ rễ: là phần rễ trong phạm vi 30 – 40 cm tính từ gốc ra và nấm xì mủ chỉ gây hại trong phần cổ rễ, các phần rễ tơ bên ngoài không bị ảnh hưởng. Do đó, khi xử lý xì mủ phần cổ rễ chỉ tập trung phạm vi nói trên.

Điều kiện thích hợp gây hại:

  • Đất xấu, thiếu hữu cơ, đất bị dẽ chặt, không thoáng khí.
  • Nấm phát triển mạnh vào mùa mưa.
  • Dinh dưỡng không cân đối, bón nhiều phân hóa học đất trở nên chua
  • Có sự xuất hiện của tuyến trùng, mối… cắn phá rễ
  • Cây trồng sâu, cổ rễ bị chôn lấp trong đất, phần gốc thường xuyên bị đọng nước không thông thoáng.
  • PH thấp (<5) kết hợp việc cây bị stress kéo dài (Xiết nước xử lý ra hoa , đất ngập nước), cây dồn hết sức để ra hoa, mang trái, sức đề kháng kém là những điều kiện thích hợp để nấm tấn công và gây hại.

Xử Lý:

Khi phát hiện, cạo sạch vết bệnh cả ở gốc và dưới rễ (lưu ý: phải cho lộ phần cổ rễ ra), quét các loại thuốc gốc đồng (đồng hữu cơ) để cố định vết bệnh, ngăn chặn bệnh lan rộng ra.

Sau khi cố định vết bệnh trong vòng 24 tiếng, dùng thuốc ĐẶC TRỊ nấm hoạt chất như: Fosetyl Aluminium, metalaxyl, difenoconazole…pha sệt quét lên vết bệnh, cách ngày quét lại cho đến khi vết bệnh khô hẳn.

Đồng thời, tưới thuốc bệnh vào phần đất xung quanh gốc, mỗi gốc tưới từ 20-30 lít thuốc tùy theo cây lớn nhỏ.

Những việc cần làm sau khi xử lý để cây khỏe và bệnh không tái lại:

  • Bón phân hóa học cân đối, dưỡng cỏ trong vườn.
  • Sau khi thu hoạch, xử lý nâng pH đất, bón nhiều hữu cơ chất lượng
  • Mô đất trồng cao ráo, cần trồng mặt bầu ngang mặt đất, nếu lỡ trồng sâu rồi cần phá bồn. tạo rãnh thoát nước, tránh nước đọng ở trong gốc.

6.2. Bệnh Xì Mủ Khô

Nguyên nhân:

Do mọt, ấu trùng xén tóc đục thân tấn công, chúng thường tấn công vào những nơi kẹt như phần gồ ghề, sần sùi ở vỏ, cháng ba giữa cành và thân chính…tạo điều kiện cho nấm phytop sẽ theo sau gây xì mủ.

Bệnh thường xuất hiện vào mùa khô, ở những vườn cây lớn, sau giai đoạn ra hoa, trái sức khỏe cây suy giảm, đề kháng kém, điều kiện để sâu, mọt tấn công dễ dàng.

Dựa vào các dấu hiệu nhận biết xén tóc đục thân và mọt đục cành tấn công được ghi rõ ở các bài trước để phát hiện và xử lý kịp thời.

Sâu, mọt đục tạo điều kiện cho nấm tấn công gây Xì Mủ khô

Xử lý:

  • Dùng dao đục bắt hết sâu theo mạch phá của sâu trên thân, khui lỗ mọt đục cành, sau đó quét thuốc trừ sâu vào bằng các thuốc LƯU DẪN, XÔNG HƠI, DIỆT CẢ TRỨNG: Cypermethrin, Chloryphos Ethyl,…
  • Cạo sạch vết bệnh, quét thuốc trị xì mủ (quy trình như trị xì mủ ướt).

Phun thuốc đặc trị sâu đục thân, mọt đục cành toàn vườn (phun kỹ vào thân, cành). Nếu thấy vườn sâu, mọt nhiều thì sau 7 ngày xịt lại lần 2.

7. Bệnh thán thư

Nguyên nhân: do nấm Colletotrichum spp.

Điều kiện phát triển bệnh:

Phát triển và lây lan nhanh trong mùa mưa hoặc vườn cây rậm rạp, không thông thoáng.

Những vườn cây chăm sóc kém, thiếu phân, nước tưới không đầy đủ thì bệnh sẽ gây hại nặng hơn, vì khi lá thiếu dinh dưỡng, lá yếu – mỏng nấm bệnh dễ dàng tấn công vào.

Bệnh cũng phổ biến khi trồng trên đất xấu, ít chất hữu cơ, gió mạnh và không được che mát giữ ẩm thích hợp.

 Biểu hiện:

– Thường gặp ở lá già
– Vết bệnh ban đầu chỉ là một vết cháy rất nhỏ ở chót lá (Hình), sau đó cháy lan dần lên, gây khô cháy lá, rụng lá, trơ cành
– Hoặc cũng có thể bắt đầu từ vết thương trên lá do côn trùng, rách do gió hay do chăm sóc.
– Ngoài ra, giai đoạn cây ra hoa, trái, bệnh làm rụng hoa và trái non sầu riêng rất nghiêm trọng.

Phòng trị:

Đối với mục đích dùng để phòng, hoặc bệnh nhẹ (mới xuất hiện vết cháy nhỏ ở chót lá) thì có thể dùng thuốc có hoạt chất ngừa: Mancozeb, Hexaconazole, Phosphonate (Lân ion)…

Còn nếu bệnh đã nặng thì cần xử lý liền bằng các hoạt chất ĐẶC TRỊ : Metalaxyl, Azoxystrobin + Difenoconazole , Azoxystrobin + Probiconazole…
Phun từ 2-3 lần đến khi thấy vết bệnh khô lại, mỗi lần phun phải sử dụng các gốc thuốc khác nhau.

Lưu ý: tuy đây là bệnh thường gặp nhưng nhà vườn vẫn lo sợ vì trị không dứt điểm. Thứ nhất do không phun đúng loại thuốc Đặc Trị. Thứ 2, phun đúng thuốc nhưng lần phun nào cũng chỉ sử dụng đúng 1 loại thuốc gây ra hiện tượng kháng và việc phòng trị không hiệu quả.

Ngoài ra, cần chú trọng chăm cây thật tốt, bón phân cân đối, bón nhiều phân hữu cơ, giúp bộ lá khỏe – dầy – bóng sẽ hạn chế nấm bệnh tấn công.

Chú ý phòng trừ chích hút (rầy), bọ cánh cứng vì chúng có thể gây ra những vết thương và mở đường cho nấm tấn công.

Một trong những nguyên nhân chính gây rụng bông và trái non là do bệnh thán thư gây hại, Nếu mầm bệnh lúc đầu không diệt sạch thì đây sẽ là nguồn bệnh lây lan sang bông và trái sau này, Giai đoạn cây ra hoa và trái cần phun xịt thán thư định kì.

About

Trả lời

error: Content is protected !!