Start up – Lập kế hoạch tài chính cho dự án

Phần 1: Inflow – Doanh thu

Start up – LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CHO DỰ ÁN NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU

(Bài viết cho Start up và những ai quan tâm đến lập dự án kinh doanh mới)

Nhiều bạn trẻ cũng như chủ dự án có ý tưởng kinh doanh mới đến tìm tôi với cùng một chủ đề, “lập kế hoạch tài chính cho dự án”. Và hầu hết tôi nhận ra rằng họ ngại tài chính vì họ ngại những con số, họ nghĩ việc đó chỉ có dân tài chính mới biết làm. Có những trường hợp còn cho dân tài chính lên hàng siêu thực, có thể tự vẽ số mà không cần có thông tin gì từ dự án hay thị trường.

*** Hãy bắt đầu bằng những thông tin có sẵn!

Dù có không hiểu không biết gì về việc lập kế hoạch tài chính, thì hẳn chủ dự án nào cũng đều phải biết về dòng thu và dòng chi liên quan đến dự án. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào không thể thiếu đối với việc lập kế hoạch tài chính cho dự án.

Dòng thu thông thường nhất là từ doanh thu bán sản phẩm dịch vụ, mặc dù đôi khi có những trường hợp hơi đặc biệt khác nhưng hãy để nó cho dân tài chính xử lý về mặt kỹ thuật, trong khuôn khổ bài viết này tôi không muốn làm người đọc bị rối. Điều quan trọng nhất đó là bạn cần phải chứng minh được khả năng đạt được doanh thu đó từng tháng, từng quý, từng năm.

Để dự phóng được doanh thu, cần phải xác định được khách hàng mục tiêu và đối thủ cạnh tranh là ai. Đối thủ cạnh tranh ở đây cần lưu ý rằng bao gồm cả những đối thủ gián tiếp, bán những sản phẩm thay thế vào nhóm khách hàng mục tiêu mà bạn đang nhắm đến. Ví dụ như nhà hàng Nhật nhắm vào nhóm khách hàng trung cao cấp thì không chỉ có đối thủ cạnh tranh trực tiếp là các nhà hàng Nhật khác mà là tất cả các nhà hàng Hàn Quốc, Việt Nam… nhắm vào nhóm khách hàng trung cao cấp cũng là đối thủ cạnh tranh gián tiếp.

*** Xác định được khách hàng mục tiêu và đối thủ cạnh tranh rồi, thì hãy đi tìm càng nhiều thông tin càng tốt về hai đối tượng này để…tính tiếp!!!

Chúng ta ai cũng biết rằng: Doanh thu = Sản lượng bán x Đơn giá bán

Nhưng hãy thử liên hệ giữa công thức rất đơn giản này với khách hàng mục tiêu và đối thủ cạnh tranh xem nào…mọi người sẽ thấy tài chính thật thú vị! Đơn giá bán thể hiện khách hàng mục tiêu bạn nhắm đến, và sản lượng bán thể hiện kỳ vọng bạn chiếm bao nhiêu thị phần từ các đối thủ cạnh tranh…

Và như vậy, chúng ta cần kết hợp với nghiên cứu thị trường để xác định cho được độ lớn khách hàng mục tiêu và khả năng chiếm được bao nhiêu thị phần trong nhóm khách hàng này, từ đó chúng ta sẽ có kết quả là Doanh thu dự phóng cho kế hoạch tài chính.

PHẦN 2: CHI PHÍ – MI LÀ CÁI CHI???
LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CHO DỰ ÁN NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU
(Bài viết cho những ai quan tâm đến lập dự án kinh doanh mới)
? Từ những ví dụ trong thực tế
✏️Mua xe hơi! (Ai chưa có xe hơi thì tưởng tượng, ai có rồi thì hồi tưởng nhé!)
Sau bao năm cày cuốc, bạn quyết định đầu tư một chiếc xe hơi để làm gì không biết, tuỳ ý bạn! Nhưng tôi muốn bạn chú ý đến quá trình bạn chọn mua chiếc xe, ít nhiều bạn cũng sẽ phải suy nghĩ đến ngân sách để có được nó đúng không?! Vậy bạn nghĩ gì về chi phí khi đi mua xe hơi?
Chi phí để sắm con xe này là bao nhiêu?
Chi phí mua thêm đồ chơi cho nó…
Xe này uống xăng nhiều không ta?
Chi phí gửi xe, rửa xe hàng tháng, tiền mua bảo hiểm xe, bảo trì xe, các khoản phí…nhiêu?
Xe này mình đồng cối đá hay tiểu thư, hở tí là hư…
Xe này xuống giá nhanh không nhỉ?
Xe đẹp quá mà tiền thiếu tí, nên vay ngân hàng không?

Và bây giờ, hãy xem tài chính liệt mấy cái câu hỏi trên vào hàng nào nhé!
Khi bạn đang nghĩ đến chi phí sắm xe, chi phí mua thêm đồ chơi cho xe… chính là bạn đang tính đến chi phí đầu tư mà thuật ngữ tài chính gọi là CAPEX (Capital Expenditure).
Khi bạn nghĩ đến chí phí xăng cho xe, chi phí gửi xe, chi phí rửa xe, bảo hiểm xe, các khoản phí hàng tháng, hàng năm…thì đây chính là chi phí hoạt động mà hàng tháng bạn phải bỏ ra để có thể sử dụng xe, tài chính gọi là OPEX (Operational Expenditure).
Và khi bạn nghĩ đến chuyện chiếc xe bạn mua có thể bị mất giá, xuống cấp theo thời gian (độ bền), hay cân nhắc chuyện vay tiền để mua xe đó chính là bạn đang quan tâm đến chi phí tài chính, và giá trị dòng tiền theo thời gian. Vì chiếc xe nó sẽ chẳng tồn tại mãi mãi, nó sẽ xuống cấp và sẽ đến lúc bạn phải bỏ nó đi!
Đến đây, ai thích thì nghĩ tiếp chuyện mang xe đi chạy Uber, và kế hoạch tài chính cho việc mua xe hơi chạy Uber hình thành!!! 🙂
Khi làm kế hoạch tài chính cho dự án cũng tương tự như thế. Bạn cần nhận diện tất cả các chi phí đầu tư, chi phí hoạt động, chi phí tài chính,…từ đó đặt ra những giải pháp, chọn lựa phương án phù hợp.
Thêm cái ví dụ nữa rồi vào chuyên môn nhé!
✏️Mua nhà cho thuê!
Bắt đầu nghe mùi kinh doanh! 🙂
Bạn có dư tiền, gửi ngân hàng giờ lãi suất thấp quá, bạn định lấy tiền đi mua cái nhà rồi cho thuê, phần vẫn có tiền cho thuê hàng tháng, phần tính tương lai giá nhà đất còn lên, bán kiếm lời!…
Đầu tư nhà cho thuê chính là một dự án kinh doanh điển hình đấy!
Cũng như mua xe, mua nhà bạn cũng phải quan tâm đến chi phí mua căn nhà, chi phí sửa chữa tân trang nhà… trước khi cho thuê (CAPEX). Tiếp đến, bạn phải tính đến chi phí mua bảo hiểm cho căn nhà, chi phí quản lý căn nhà (đóng ban quản lý chung cư hoặc tổ dân phố…), chi phí trả cho môi giới, chi phí thuế nếu cho thuê…(OPEX). Và đương nhiên, bạn sẽ phải cân nhắc đến lãi suất vay cũng như lãi suất tiền gửi, vì nếu tiền cho thuê không đủ bù tiền lãi ngân hàng, thì nên quyết định như thế nào???
?Ứng dụng trong lập kế hoạch tài chính cho dự án
Lập một dự án kinh doanh cũng giống như mua nhà, mua xe vậy! Bạn cần nhận diện toàn bộ các chi phí để đầu tư bao gồm chi phí đầu tư (CAPEX) và chi phí hoạt động (OPEX) cho dự án.
Đối với dự án kinh doanh mới, chi phí đầu tư (CAPEX) là tất cả chi phí phải bỏ ra để mua sắm trang thiết bị cho dự án có thể hoạt động. Chi phí hoạt động (OPEX) là chi phí hàng tháng phải trả để sản xuất hàng hoá, cũng như duy trì hoạt động kinh doanh. Đương nhiên chi phí lãi vay và khấu hao máy móc thiết bị cũng phải không được bỏ sót.
Nhưng cái lý do phải phân loại chi phí ra như thế để làm gì? Tôi cho rằng việc này mới đáng để nói đến! Phân loại chi phí để chúng ta có các ứng xử khác nhau với từng loại chi phí!
Đối với CAPEX, mua sắm tài sản hữu hình hoặc vô hình, và tài sản này chỉ mua một lần sử dụng hàng vài năm. Và chúng ta sẽ cân nhắc chuyện bán lại tài sản này trong bất kỳ trường hợp nào không sử dụng đến nó nữa (dừng dự án chẳng hạn cái này có lẽ ít ai nghĩ đến, nhưng nó có ý nghĩa khi chúng ta phải stop loss). Đối với một dự án chưa chắc chắn, và nguồn vốn đầu tư thấp, thì cần phải thật cân nhắc khi đầu tư mua tài sản, vì rủi ro cao. Những tài sản nào có thể thuê, và việc bán lại nó cũng quá khó khăn thì nên thuê hơn là mua.
Đối với OPEX, chi phí này có rất nhiều thứ cần phải phân tích thêm, nhưng có lẽ trong bài sau. Tuy nhiên, đối với loại chi phí này, cần một lưu ý ở đây khi tính toán chi phí đầu tư cho dự án, đó là chi phí hoạt động trong giai đoạn chưa có doanh thu, hoặc có doanh thu không đủ bù OPEX. Nhiều người tính tổng ngân sách đầu tư chỉ tính có phần CAPEX mà quên đi OPEX trong giai đoạn dự án đang lỗ, cần tiền để duy trì hoạt động. Từ đó dẫn đến việc thiếu hụt tiền ngay trong những ngày đầu hoạt động…
Một lưu ý nữa đó là việc tính thuế đối với CAPEX và OPEX. CAPEX đầu tư tài sản cố định, vì vậy chi phí sẽ không tính một lần vào tháng đầu tư mà được khấu hao hoặc trích dần vào chi phí hàng tháng trong quá trình hoạt động, theo đó thuế cũng được trừ tương ứng. OPEX thì tháng nào trừ tháng đó. Và cần phải cân nhắc lợi ích thuế khi tính toán CAPEX và OPEX nhé. Luật Việt Nam được chuyển lỗ 5 năm, nghĩa là nếu bạn lỗ hơn 5 năm thì nên đưa vào CAPEX trích khấu hao được nhiều năm hơn, đấy là tôi đang nói đến dự án đầu tư có tính chất đầu tư dài hơi trên 1 năm hoặc 2 năm. Trong giai đoạn đầu tư, chưa có doanh thu, thì chi phí hoạt động trong thời gian xây dựng có thể xem xét đưa vào CAPEX.
Một số phân tích khác sâu hơn về OPEX sẽ tiếp tục trong bài sau nhé! Bài viết đã khá dài rồi!

 

Phần 3: CÁI GIÁ CỦA TIỀN
(Giá trị đồng tiền theo thời gian)
LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CHO DỰ ÁN NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU
(Bài viết cho những ai quan tâm đến lập dự án kinh doanh mới)
?Đoạn 1: Những câu chuyện xoay quanh giá trị tiền theo thời gian…
✏️Mỗi cuối tuần nếu không phải đi đâu tôi lại lượn vào cái trung tâm thương mại gần nhà để mua vài thứ chống đói cho tuần tiếp theo. Có vẻ giá cả cuối năm hơi tăng, tuần trước mua hết có 300k, tuần này cũng bằng đó thứ hết 305k! Tặc lưỡi…tiền giờ mất giá quá!!!
Tôi vẫn nghe mọi người nói tiền mất giá, thế cái giá của tiền là gì? Và nó liên quan thế nào đến lập kế hoạch tài chính?
✏️Trong Kinh Thánh có một ngụ ngôn như thế này. Một ông chủ sắp đi đâu đó hơi lâu, muốn kiếm việc cho 3 tên đầy tớ kẻo nó ngồi không phí, đành nghĩ ra chuyện đưa tiền cho tụi nó. Ông đưa một đứa 5 đồng, 1 đứa 2 đồng, và một đứa 1 đồng tuỳ vào khả năng mỗi đứa. Ngày ông về liền triệu tập 3 đứa đầy tớ lại và hỏi tiền tao đâu?
Tên thứ nhất nhận 5 đồng đã kinh doanh và kiếm được thêm 5 đồng nữa
Tên thứ hai nhận 2 đồng và cũng đã kiếm được 2 đồng nữa
Tên thứ ba mang tiền đi chôn nên chẳng có được thêm đồng nào. Đã vậy hắn còn chửi ông chủ của hắn là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi…(Tên này chắc hâm!!!)
Ông chủ sau đó đã xử tên thứ ba thế này: Tên đầy tớ biếng nhác kia, sao mày ngu thế, không biết làm gì thì cũng mang tiền tao đi gửi ngân hàng kiếm tiền lãi, chứ sao mày lại chôn nó xuống đất cho nó chết luôn như thế hả thằng kia! Bay đâu, lấy lại đồng tiền đó đưa cho thằng thứ nhất, còn quẳng thằng này ra đường vì nuôi nó tốn cơm… Vậy là 2 tên đầy tớ giỏi giang kia được ông chủ đãi ngộ hậu hĩnh!
(Câu chuyện được kể lại bằng văn tả cảnh của tôi, nên các bạn không nên search nguyên văn trên mạng, vì nó sẽ không ra đâu nhé!!!)
Các bạn biết ngụ ngôn này bao nhiêu năm rồi không?!!! Vậy mà cái thời ấy đã biết tiền phải gửi trong ngân hàng rồi đấy! Tiền là phải xoay vòng vòng, chứ chôn xuống đất là nó mất giá, và chết đấy các bạn ạ! Tôi còn giữ mấy tờ 200 đồng, giờ mang ra xài người ta chửi hâm!
Vì sao tôi lại kể ngụ ngôn này, vì nó kể chuyện tiền và cái giá của tiền theo thời gian.
Rõ ràng mọi người trong câu chuyện trên đều biết rằng giá trị một đồng tiền ngày hôm nay khác với giá trị một đồng tiền ngày mai, và hoàn toàn khác xa với thời điểm ông chủ về, có thể là 1 năm sau hoặc 2 năm sau. Và cái giá trị này là bao nhiêu nó phụ thuộc vào thị trường, và vào kỳ vọng của chính người đầu tư đó là ông chủ. Tuy nhiên, tại thời điểm ông chủ đưa tiền cho từng người, ông đã dựa vào đâu để quyết định đầu tư cho người này nhiều và người kia ít, đó là ông đã phân tích được khả năng sinh lời và mức độ rủi ro của từng người (từng dự án).

Đoạn 2: Tài chính diễn giải câu chuyện thực tế trên như thế nào…

✏️ Giờ thì tôi muốn thêm mắm thêm muối vào câu chuyện ngụ ngôn kỳ trước cho nó hấp dẫn hơn một chút để dễ bề kể chuyện tài chính.

Sau khi nhận tiền của ông chủ, 3 người đầy tớ bắt đầu khăn gói đi tìm đường làm ăn.

?Người thứ nhất: Lấy 5 đồng mở tiệm PHỞ tên là Tàu Bay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nhờ vào vị trí đắc địa, tiệm phở có 3 giờ cao điểm sáng 7h30, trưa 12h, tối 6h lúc nào cũng kín bàn. Như vậy là không thể tăng doanh số thêm nữa vì không còn khả năng phục vụ.

Năm thứ nhất người này thu ròng được 2 đồng, năm thứ 2 thu ròng được 3 đồng và đồng thời sang lại quán, không mua thêm thịt bò để tồn kho nữa nên đã thu lại được 5 đồng đầu tư ban đầu để trả ông chủ (năm 2 tổng thu về 8 đồng).

(Tôi phải giả sử 2 đồng năm thứ nhất người này thu được không quay lại kinh doanh phở nữa nhé. Vì nó mà lại quay lại vào chu kỳ kinh doanh thì câu chuyện tài chính phức tạp lắm, tôi không giải quyết ngắn gọn được! ?)

?Người thứ hai: Nhận 2 đồng đi mua xe bán BÁNH MÌ để bán bánh mì chả cá gần khu Chợ Lớn. Người thứ hai trên đường bôn ba đã tìm được bí kíp chiên chả cá rất đặc biệt nên khách lúc nào cũng đông, hôm nào cũng cháy hàng mà khách còn xếp hàng dài. Vì vốn có hạn không thể trữ chả cá nhiều hơn, nên người này đành phải thường xuyên xin lỗi những khách hàng đến sau không mua được bánh mì của anh ta.

Năm thứ nhất thu ròng được 4 hào (0,4 đồng), năm thứ hai thu thêm 1đồng 6 hào và không mua thêm chả cá để trữ nữa mà sang lại xe bánh mì để thu về 2 đồng vốn đầu tư ban đầu (năm hai thu tổng cộng 3,6 đồng).

Anh này ước tính nếu ban đầu cứ có thêm 1 đồng tiền vốn để mua chả cá, thì anh ta sẽ lại kiếm thêm được 2 hào cho năm nhất và 8 hào cho năm 2.

(Cũng vậy, giả sử 4 hào thu năm nhất không quay lại chu kỳ kinh doanh nhé!).

?Người thứ ba: Nhận 1 đồng đem đi gửi ngân hàng, lãi suất 20%. Năm thứ nhất nhận 2 hào (0,2 đồng) tiền lãi, và gốc 1 đồng. Người này mang gửi tiếp 1,2 đồng vào ngân hàng cũng lãi suất 20%, cuối năm 2 nhận được 2 hào 4 xu (0,24 đồng) tiền lãi và 1,2 đồng tiền gốc. Tổng cộng năm 2 nhận được 1,44 đồng cả gốc lẫn lãi.

✏️ Bỏ qua cái người thứ ba, ông chủ giờ có 8 đồng, theo bạn ông ấy nên đầu tư như thế nào vào 2 cái dự án PHỞ và MÌ trên? Tôi ngồi nhẩm nhẩm được vài phương án, nhưng chưa biết nên khuyên ông chủ này thế nào:

?Số 1: 5 đồng vào PHỞ, 3 đồng vào MÌ.
?Số 2: 8 đồng vào MÌ tất.
?Số 3: giống như ổng đã quyết giao lại 1 đồng của người thứ ba cho PHỞ
??Số 4: 8 đồng vào PHỞ tất

Nếu tính rợ ấy thì số 1 ? và số 2 ? đều thu được thêm 8 đồng, nhưng mà số 3 ? và số 4 ?? thì chuối lắm, tiệm phở có đầu tư thêm cũng không tăng được doanh số, vì lấy đâu ra bàn để phục vụ, nên thêm một đồng đầu tư vào đó cũng giống như chôn tiền xuống đất thôi!

Vậy chọn số 1 ? hay số 2 ? nhỉ?

✏️ Đấy đấy, thế mới cần phải bàn đến tài chính này! Xem thử tài chính khuyên thế nào!

Nhưng mà chắc để mai viết tiếp! Dài quá nên viết mãi không hết, mà có cố chắc các bạn cũng sẽ không tiêu thụ hết nổi vì lượng thông tin nhiều quá!

******************************
*******TÚM LẠI: Cùng là tạo ra 8 đồng, nhưng 8 đồng nào có giá hơn thì phải ngồi tính…nhé!!!

******************************

Như ở ?Đoạn 1, tôi đã diễn giải, tiền cũng có giá! Một đồng ngày hôm nay có giá cao hơn 1 đồng của 1 năm sau, ít nhất bằng lãi suất ngân hàng! Vậy thì cả số 1 ? (5 đồng vào PHỞ và 3 đồng vào BÁNH MÌ) và số 2 ?(8 đồng đầu tư tất tần tật vào BÁNH MÌ) đều tạo ra được thêm 8 đồng sau 2 năm, tuy nhiên 8 đồng này sinh ra vào các thời điểm khác nhau trong vòng 2 năm đó, nên nó phải có giá khác nhau.

Bây giờ để dễ bề so sánh, tôi phải quy đổi 8 đồng của cả số 1 ? và số 2 ? về thời điểm đầu tư, là thời điểm tôi đang tư vấn cho ông chủ nên chọn phương án nào đây! Và tài chính gọi nó là Present Value, viết tắt là PV.

Tôi sẽ không giải thích công thức nhiều đâu, chỉ giúp cho các bạn dễ nhớ, dễ suy luận, còn lại các bạn tự tìm tài liệu trên mạng có nhiều lắm!

Giờ vầy, ở cái kế hoạch 3 ấy, bạn mang 1 đồng gửi vào ngân hàng với lãi suất là 20%, và bạn sẽ tính được luôn là giá trị tương lai (Future Value) của 1 đồng vào thời điểm này năm sau sẽ là 1x(1+20%) = 1.2 đồng đúng không nào. Thế giờ tôi cho bạn con số tương lai tôi có 1.2 đồng vào ngày này năm sau, bạn giúp tôi quy đổi 1,2 đồng đó tương đương với bao nhiêu đồng ở hiện tại được không? Dễ ẹt! Có ai không tính ra được là 1 đồng không? Còm cho tôi biết nhé! 🙂. Tương tự ở ngày này 2 năm sau, bạn có 1,44 đồng, và lãi suất 2 năm liên tục là 20%, bạn sẽ tính thế nào để ra tương đương với 1 đồng ở hiện tại? Tôi thì tôi lấy 1,44/(1+20%)(1+20%).

Áp dụng công thức trên tôi tính được kết quả như sau (Ai không hiểu mà muốn hiểu thì mở file excel đính kèm lên xem nhé):

Lãi suất tối thiểu ông chủ đòi là 20% bằng lãi suất gửi ngân hàng.

?Số 1: 5 đồng vào phở, 3 đồng vào mì: Giá trị hiện tại của dòng tiền sinh ra trong tương lai (PV) = 11,47154 đồng
?Số 2: 8 đồng vào mì tất: PV = 11,33264 đồng

Nếu ta lấy PV trừ đi số tiền đầu tư ban đầu của ông chủ là 8 đồng, thì ta được NPV (Net Present Value), tôi gọi là giá trị hiện tại ròng. Cái này có ý nghĩa khi 2 dự án có số tiền đầu tư khác nhau thì so sánh PV không được, phải trừ đi số tiền đầu tư nữa mới thấy được cái nào ngon hơn!

?Số 1: NPV = 3,47154 đồng
?Số 2: NPV = 3,33264 đồng

****************************
**********TÚM LẠI thì tôi có thể nói với ông chủ là nên đầu tư vào em Số 1 ? (PHỞ kết hợp với BÁNH MÌ) vì nó có lời hơn em Số 2 ? (Chỉ có BÁNH MÌ). Mặc dù cuối cùng sau 2 năm vẫn kiếm được 8 đồng, nhưng mà cái số 1 ? thu tiền nhanh hơn, năm đầu tiên đã thu được 2,6 đồng thay vì 1,6 đồng như cái số 2 ?, và như vậy cầm 2,6 đồng mang gửi ngân hàng thì có lãi hơn 1,6 đồng chứ nhỉ! Chính vì thế mà PV và NPV của cái số 1 cao hơn cái số 2 đấy!

****************************

✏️ Ý nghĩa của chỉ số NPV và IRR

– NPV là chỉ số tài chính để đánh giá hiệu quả của phương án đầu tư dựa trên những giả định, với tôi nó có giá trị nhất khi so sánh giữa các phương án đầu tư với nhau để chọn lựa phương án đầu tư phù hợp nhất. Tôi ví dụ, nếu như năm thứ 3 ông chủ lại muốn dành tiền đầu tư thêm cho PHỞ hoặc MÌ? Năm thứ 3 PHỞ có cơ hội mở rộng mặt bằng do cái quán cà phê kế bên nó ế quá nên sang lại mặt bằng cho PHỞ, còn MÌ thì vẫn cứ tăng doanh số nếu có thêm tiền mua bánh mì và chả cá…Nếu thích thì các bạn cứ miên man tiếp nhé, vừa giả lập con số, vừa tính nó mới thú! Tôi thì tính miết nên hơi mệt rồi!

– Nếu dự án của bạn mà tính ra NPV âm là khỏi nghĩ đến chuyện tìm nhà đầu tư luôn, ít nhất nó phải dương thì mới được nhé! NPV âm có nghĩa là dòng tiền sinh ra từ dự án sau khi quy đổi (tài chính hay gọi là chiết khấu) về giá trị hiện tại không đủ bù cho chi phí đầu tư ban đầu.

– Trong bài có con số 20% lãi suất ngân hàng, thực tế nó chính là WACC trong tính toán kế hoạch đầu tư. Việc tính toán WACC rất phức tạp, và tuỳ thuộc vào tính chất của từng loại dự án, tuy nhiên như ví dụ trên ông chủ chỉ kỳ vọng tối thiểu là 20% theo lãi suất ngân hàng nên tôi lấy luôn 20%.

– Nếu giả sử tôi đưa cái lãi suất lên 46,6% thì NPV của các kế hoạch này sẽ là bao nhiêu nhỉ? Số 1 ? NPV sẽ tiệm cận 0, và Số 2 ? NPV là âm luôn. 46,6% chính là IRR (Internal Rate of Return) của Số 1 ?, và IRR của Số 2 ? là con số thấp hơn 46,6%. IRR càng cao thì dự án càng được đánh giá cao.

– Cả NPV và IRR đều phải xem xét đến 1) Giá trị dòng tiền theo thời gian, 2) Số tiền đầu tư ban đầu, 3) Tất cả dòng tiền trong tương lai sau khi đầu tư ban đầu. Đây là những giả định, vì thế khi lập kế hoạch dòng tiền cho dự án bạn phải lập các giả định về chi phí đầu tư, chi phí hoạt động, doanh thu, khấu hao, lãi vay… và thuyết phục nhà đầu tư, ngân hàng về những giả định này trên những dữ kiện thực tế, cơ sở khoa học và suy luận logic.

– NPV là tính ra giá trị tuyệt đối, còn IRR là giá trị phần trăm (%). Vì thế NPV có lợi thế về việc cho phép cộng gộp các phương án lại với nhau để chọn ra tổ hợp tối ưu còn IRR thì không.

P/S: Nội dung NPV và IRR chủ yếu là lý thuyết, nên các bạn tìm hiểu thêm tài liệu trên mạng để đọc nếu quan tâm nhé!

Dương Ngọc Phương Thảo
Tài chính…đơn giản mà
13/12/2016

About

Trả lời

error: Content is protected !!